Điều kiện tự nhiên, lịch sử địa lý Điều kiện tự nhiên, lịch sử địa lý

     Xã Long Thuận đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa lý hành chính, theo "Địa chí Tiền Giang" (tập II), Long Thuận nguyên là 2 thôn Thuận Ngãi và Thuận Tắc.

"Thuận Ngãi là thôn xưa, gốc là thôn Bình Thuận Đông có từ triều Gia Long thuộc tổng Hoà Bình, huyện Kiến Hoà, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Triều Minh Mạng thuộc tổng Hoà Lạc, huyện Tân Hoà, phủ Tân An, tỉnh Gia Định; có diện tích khai thác là 1.520 mẫu 3 sào 10 thước 6 tấc (94 sở) ruộng thảo điền; 61 mẫu 7 sào, 7 thước, 4 tất thổ cư.

Đông giáp 02 thôn Bình Ân, Tân Niên Đông; Tây giáp 3 thôn Thuận Tắc, Yên Luông Đông, Bình Xuân; Nam giáp 3 thôn Tân Duân Đông, Bình Nghị, Tân Duân Trung; Bắc giáp hai thôn Tân Niên Đông, Thuận Tắc.

Năm Thiệu Trị thứ nhất, thuộc tổng Hoà Lạc Hạ, huyện Tân Hoà, phủ Hoà Thạnh (mới lập), tỉnh Gia Định. Năm Tự Đức thứ 5 thuộc phủ Tân An, cùng tỉnh. Đầu thời Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thanh tra Tân An, rồi Tân Hoà, rồi Gò Công. Từ ngày 05 tháng 01 năm 1876 gọi là làng, thuộc hạt tham biện Gò Công. Ngày 31 tháng 3 năm 1885, trích một doi đất nhập vào làng Tân Niên Đông, tổng Hoà Lạc Thượng rồi sáp nhập với làng Thuận Tắc thành làng Thành Phố.

Thuận Tắc gốc là thôn Bình Thuận Tây từ đời Gia Long thuộc tổng Hoà Bình, huyện Kiến Hoà, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Đời Minh Mạng thuộc tổng Hoà Lạc, huyện Tân Hoà, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Diện tích khai thác là 61 mẫu 2 sào 4 thước (7 sở) ruộng thảo điền, 58 mẫu (2 sở) thổ cư.

Đông giáp thôn Thuận Ngãi, tây giáp thôn Long Chánh, tổng Hoà Lạc, Nam giáp 2 thôn Thuận Ngãi, Tân Duân Đông; Bắc giáp thôn Tân Niên Đông.

Năm Thiệu Trị thứ nhất, thuộc tổng Hoà Lạc Hạ, huyện Tân Hoà, phủ Hoà Thạnh, tỉnh Gia Định. Năm Tự Đức thứ 5 thuộc phủ Tân An, cùng tỉnh. Đầu thời kỳ Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thanh tra Tân An, rồi Tân Hoà, rồi Gò Công.Từ 05 tháng 01 năm 1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Gò Công. Ngày 31 tháng 3 năm 1885, sáp nhập với làng Thuận Ngãi thành làng Thành Phố. Làng Thành Phố từ ngày 01 tháng 01 năm 1900 thuộc tỉnh Gò Công. Từ 09 tháng 02 năm 1913 thuộc quận Gò Công, tỉnh Mỹ Tho vì tỉnh Gò Công giải thể. Từ 09 tháng 02 năm 1924 lại thuộc tỉnh Gò Công (lập lại)".

Năm 1956 chính quyền Sài Gòn cho sáp nhập làng Thành Phố và làng Long Chánh lấy tên là xã Long Thuận.

Dưới thời Pháp thuộc từ khi thành lập tỉnh năm 1900 địa bàn Long Thuận luôn là tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công.Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã Gò Công đều đặt trên địa bàn xã Long Thuận. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, xã Long Thuận đổi thành phường 5 gồm 4 khóm: khóm 18, khóm 19, khóm 20 và khóm 21 thuộc thị xã Gò Công. Cho đến khi thị xã trở thành thị trấn thuộc huyện Gò Công Đông thì phường 5 thị xã lại được tách nhỏ ra và nhập vào một số đơn vị hành chánh khác, một phần thuộc về thị trấn (khóm 18, khóm 19); một phần thuộc về huyện Gò Công Đông (khóm 20 và 21 thuộc một phần xã Bình Nghị và xã Tân Đông). Cho đến năm 1987, sau khi tái thành lập thị xã, xã Long Thuận được thành lập lại nhưng chỉ là một phần nhỏ của xã Long Thuận trước đây với 4 ấp: Thuận An, Thuận Hoà, Gò Tre, Xóm Dinh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân Long Thuận cùng người dân thị xã tích cực bắt tay tập trung vào công cuộc phục hồi đời sống sau chiến tranh. Cho đến năm 1987 thực hiện quyết định của Hội đồng Bộ Trưởng, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân Tỉnh Tiền Giang cho tái lập lại thị xã, xã Long Thuận cũng được tái lập, tuy với một vị trí địa lý hành chính nhỏ hơn so với trước, nhưng đây sẽ là tiền đề để Đảng bộ và nhân dân xã Long Thuận có điều kiện tốt trong việc tập trung sức người sức của cho việc xây dựng địa phương vững mạnh, giàu đẹp hơn.

Hiện nay xã Long Thuận gồm 4 ấp: Thuận Hoà, Thuận An, Gò Tre, Xóm Dinh. Long Thuận nằm về phía Đông của thị xã Gò Công; Đông giáp xã Bình Ân (Gò Công Đông); Tây giáp Phường 3, Nam giáp Bình Nghị (Gò Công Đông), Bắc giáp Long Hưng (thị xã).

Xã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã văn hoá năm 2004, được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" năm 2005 và được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã Nông thôn mới năm 2018, Nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Xã Long Thuận là một xã thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.

- Địa giới hành chính của xã: Xã Long Thuận nằm về phía Đông của thị xã Gò Công.

+ Phía Đông giáp huyện Gò Công Đông;

+ Phía Tây giáp với các xã Long Hưng, phường 2, 3, 5;

+ Phía Nam giáp xã Long Hòa;

+ Phía Bắc giáp huyện Gò Công Đông và xã Long Hưng.

- Tổng diện tích tự nhiên là 6,45 km2 (645 ha). Dân số tự nhiên là 7.638 người.

- Xã được chia thành 4 ấp:,Ấp Thuận Hoà, ấp Thuận An, ấp Gò Tre, ấp Xóm Dinh.

Phát huy truyền thống xã Long Thuận - xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nên các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị xã luôn đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao; Nhân dân trên địa bàn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng uỷ, sự điều hành của Uỷ ban nhân dân xã, từ đó hàng năm xã đã lãnh đạo, điều hành, thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị. Địa bàn xã nằm tiếp giáp với trung tâm thị xã Gò Công và các xã của huyện Gò Công Đông, có 02 tuyến đường tỉnh (871 và 871C) đi qua, là một trong những đầu mối giao thông quan trọng trong vận chuyển hàng hoá, lưu thông và kết nối với cảng biển Vàm Láng, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp huyện Gò Công Đông, là cửa ngõ phía Đông của thị xã Gò Công về phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng định hướng cơ cấu, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 83,71%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng đầy đủ; với các dự án đã được huy hoạch như đường Vành đai phía Đông đoạn 2, khu dân cư Long Thuận 1, Long Thuận 2, rạch Cầu Huyện, từ đó đã góp phần quan trọng trong định hướng để kinh tế - xã hội của thị xã Gò Công phát triển toàn diện.

Xã Long Thuận có 4 ấp với tổng diện tích tự nhiên là 6,45km2 (645 ha). 

- Đất nông nghiệp 535,36 ha, tỷ lệ 82,59%

- Đất trồng lúa : 186,62 ha, tỷ lệ 28,93%

Còn lại là đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản 348,74 ha, tỷ lệ 72,07%. Hộ dân đang chuyển dần đất trồng lúa không đạt năng xuất sang đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm. Chủ yếu các loại rau, củ, quả sản xuất quy mô lớn, tập trung, việc chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Đất phi nông nghiệp 109,83 ha, tỷ lệ 17,41%.

Đất ở tại nông thôn 55,77 ha tỷ lệ 8,64%, còn lại đất chuyên dùng, đất có mục đích công cộng, xây dựng công trình sự nghiệp, quốc phòng, nghĩa địa....

Hiện nay với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh xã Long Thuận từng bước hình thành nhiêu cơ sở tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn rõ rệt.

Xã Long Thuận hiện có 01 chợ và 01 cửa hàng Bách hóa xanh phục vụ nhu cầu mua bán các mặt hàng thiết yếu của người dân và đang xây dựng mở rộng, hoàn thiện theo tiêu chuẩn thiết kế chợ hiện hành.Trên địa bàn xã đặt thù người dân sản xuất rau màu và cây ăn trái, trong đó loại cây sơ ri được người dân trong quy mô tập trung và là nơi để khách phương xa đến tham quan du lịch, chụp ảnh,... Ngoài ra xã có Lăng Võ Tánh được công nhận di tích cấp tỉnh, các cơ sở thờ tự văn hóa cấp thị xã Tịnh xá Ngọc Quang, Chùa Thanh Trước, Đình Thuận Ngãi,... các khu di tích được hình thành trên 200 năm. Ngoài ra hàng năm vào các dịp lễ hội kỳ yên, lễ giỗ và các lễ hội khác thu hút trên 500 lượt người phương xa đến tham quan.

      Trên địa bàn xã, hiện có 02 tuyến đường tỉnh lộ 871, 871C đi qua; 03 tuyến đường xã, dài 5.410m được nhựa hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 16 tuyến đường ấp, dài 11.210m được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 58 tuyến đường dân sinh, dài 21.144m sạch và không lầy lội vào mùa mưa và đường nối với các khu sản xuất đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, các tuyến đường giao nông thôn đảm bảo thông suốt, thuận tiện việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa quanh năm. Các tuyến đường chính có hệ thống chiếu sáng công cộng đạt 100%.

Trước khi xây dựng đường giao thông nông thôn, UBND xã tổ chức vận động 100% hộ có đất liền kề với công trình, nhân dân hiến đất, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc để nhà nước đầu tư kinh phí cứng hóa mặt đường. Những hộ dân không có đất liền kề công trình thì vận động nhân dân đóng góp kinh phí tự nguyện theo kế hoạch của xã và thị xã. Đến nay, xã Long Thuận có tổng diện tích đất giao thông là 191.000 m2, hệ thống giao thông trên địa bàn khá tốt và đồng bộ, phần lớn đã được cứng hóa, bê tông hóa. Hằng năm, UBND xã có xây dựng các tuyến đường giao thông mới, duy tu nâng cấp các tuyến đường xuống cấp và hệ thống chiếu sáng công cộngtheo nguồn vốn phân cấp và kế hoạch đầu tư công đã được duyệt, đảm bảo theo quy hoạch chung của xã và thị xã.

Xã hiện có 06 công trình phục vụ Văn hóa -TDTT với tổng diện tích 9.818 m2:

- Công trình văn hóa: Xã có 01 trung tâm văn hóa với 02 phòng chức năng, 01 phòng phục vụ phát thanh, truyền thanh, 02 nhà văn hóa liên ấp, 04 trụ sở ấp. Định kỳ hàng tháng, quý tổ chức các hoạt động hội hợp, vui chơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ hát với nhau, CLB đờn ca tài tử, khiêu vũ ….   đã thu hút đông đảo người dân tham gia, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn.

 - Công trình thể thao: Xã được đầu tư một sân bóng đá mini thu hút trên 60 lượt người đến đá bóng, các sân tập thể dục công cộng tại các nhà văn hóa liên ấp thu hút nhiều người dân tham gia tập thể dục buổi sáng; xã có 02 hồ bơi tư nhân địa bàn ấp Gò Tre và Thuận Hòa với diện tích trên 5.000 m2  phục vụ cho trên 200 lượt người trong và ngoài xã tham gia bơi lội hàng ngày../.